Để nói về võ sĩ từng 6 lần VĐTG ở 4 hạng cân khác nhau (Cotto từng vô địch hạng cân dưới bán trung của WBO, vô địch hạng bán trung của WBA và của WBO, vô địch hạng dưới trung của WBA và vô địch hạng trung của WBC và The Ring), người ta có một miêu tả rất… “chuẩn xác”: “Không có một trận thượng đài nào mà Miguel Cotto không chuẩn bị đầy đủ. Không có một trận đấu nào mà Cotto không chiến đấu cật lực hết khả năng của mình. Cũng không có một đối thủ nào mà anh cảm thấy e ngại, không dám tận lực tấn công”.
Trong suốt 46 trận đấu của sự nghiệp (và sẽ là 47 trận đấu nếu tính cả trận đấu với Ali vào cuối tuần này), người ta đều chứng kiến một Cotto tận hiến, hoặc thắng (41 lần giành chiến thắng, trong đó có 33 trận thắng bằng knock-out) – hoặc thua (5 trận thua, có 2 trận thua bằng knock-out), đều nhiệt thành cống hiến hết sức của mình. Gã đàn ông đó, dù có trải qua biết bao thăng trầm, dù không phải là võ sĩ tài tình nhất, cũng không phải là người nổi danh nhất, vẫn nhận được rất nhiều tình cảm đặc biệt từ giới CĐV, suốt 17 năm qua…
🎃không phải võ sĩ giỏi nhất, cũng không nổi danh nhất, nhưng Cotto vẫn được yêu mến suốt 17 năm qua
Cotto từng có đến 3 trận thua “nhớ đời”, nó khiến anh, dù là một võ sĩ lừng danh, nhưng chưa bao giờ được xem là một võ sĩ lớn nhất, một huyền thoại. Đầu tiên, đó là trận thua bằng knock-out kỹ thuật trước Manny Pacquiao ở hiệp đấu thứ 12 hôm 14-11-2009, trận thua khiến anh mất đai vô địch hạng trung của WBO. Sau đó, đó là trận thua sau 12 hiệp đấu trước “Độc cô cầu bại” Floyd Mayweather hôm 5-5-2012, trận đấu khiến anh mất đai vô địch hạng dưới trung của WBA (Regular). Tiếp theo đó nữa, là trận thua cũng sau 12 hiệp đấu trước Canelo “Saul” Alvarez hôm 21-11-2015, trận thua khiến anh mất đai vô địch hạng trung của The Ring.
Cotto (trái) trong trận thua Floyd Mayweather
Sau trận thua Alvarez, dù Cotto đã thắng lại đai dưới trung của WBO (và trận đấu với Ali vào cuối tuần này cũng là trận bảo vệ đai vô địch cuối cùng của Cotto), giá trị của anh không bao giờ được như xưa. Pacquiao vẫn còn thi đấu, nhưng cùng “tề vai” với “Độc cô cầu bại” – người đã giải nghệ với kỷ lục “50 trận bất khả chiến bại”; còn về phần mình, Alvarez vẫn đang sánh vai với Gennady Golovkin, trở thành 2 võ sĩ hạng trung khét tiếng nhất thế giới ngay vào lúc này. Đó là những danh vị mà Cotto không bao giờ đạt được.
ღ Nhưng anh cũng có “giá trị” của riêng anh. Và giá trị đó, được dựng xây trên một con đường chiến thắng hoàn toàn riêng biệt. “Tôi nghĩ, trận đấu với Ricardo Torres ở thành phố Atlantic là trận đấu đưa tôi xuất hiện trên bảng đồ của làng quyền Anh chuyên nghiệp thế giới”, Cotto nói về trận thắng thứ 25 liên tiếp hôm 24-9-2005 trước võ sĩ người Colombia, trận đấu mà anh đã thắng bằng knock-out ở hiệp đấu thứ 7, “Đó là cái cách mà trận đấu diễn ra, là cái cách mà tôi thức giấc trên sàn đấu, và cái cách mà tên tuổi Miguel Cotto đã được lưu dấu lại trong lịch sử của quyền Anh”.
Ở trận đấu đó, võ sĩ người Colombia được đánh giá không thấp, dù chỉ là võ sĩ thách thức, khi nhập cuộc với chiến tích 28 trận thắng liên tiếp, trong đó có 26 trận thắng bằng knock-out. Dù đó chỉ là những chiến tích mang tính… “sơn phết ở trên giấy tờ” (Torres thắng 27/28 trận ở quê nhà Colombia trước những đối thủ kém tên tuổi, trong đó có 12 trận đấu chống lại những đối thủ chưa từng nếm mùi chiến thắng, nói cụ thể hơn, anh đã đối đầu chống lại nhóm đối thủ chỉ thắng 100 trận, để thua đến 158 trận và có 6 trận hòa), nhưng nó cũng mang lại niềm tin cho Torres rằng, chính anh này mới là tay đấm chẳng có gì phải e sợ.
Trận đấu phần nào đã diễn ra theo chiều hướng đó – Cotto bị đánh tệ hại ngay trong hiệp 1, anh bị đấm gục ra sàn đài ngay ở hiệp 2 (lần đầu tiên trong sự nghiệp, Cotto bị đánh đo ván). Trong các hiệp đấu 5, 6 và 7, anh cũng bị đánh cho “lên bờ xuống ruộng”. Nhưng ở phía ngược lại, Cotto cũng mang lại những thương tổn mãnh liệt cho đối thủ, anh đấm gục đối thủ 4 lần và ở lần cuối cùng, Torres không thể gượng dậy. Nếu Cotto gục ngã luôn ở hiệp 2, có lẽ, anh sẽ không có một sự nghiệp như ngày hôm nay…
Cotto (trái) trong trận thắng Ricardo Torres
3 năm sau, năm 2008, Cotto dính vào một đối thủ “dai dẳng” mà “ân oán giữa 2 bên” đã kéo dài cho đến tận năm 2011 mới được giải quyết xong. “Mối thù đầy ân oán đó” cũng đã góp phần định hình nên một sự nghiệp đầy màu sắc của Cotto. Đối mặt với Antonio Margarito (Mexico) vào ngày 26-7-2008, Cotto đã gục ngã ở hiệp đấu thứ 11 với một gương mặt đầy máu, trong khi Magarito vẫn liên tục ra đòn, buộc góc khán đài của Cotto phải tung khăn trắng đầu hàng. Ở trận đấu đó, dù Cotto tung ra nhiều đòn đánh hơn, nhưng số cú đấm chính xác lại có phần nhỉnh hơn, nghiêng về phía tay đấm người Mexico, và quan trọng nhất, anh này đã có serie đòn nặng ký đấm gục Cotto. Cotto tin rằng, trong trận đấu đó, găng tay của đối thủ nặng ký hơn của anh, nhưng Margarito đã phủ nhận điều này cho đến tận ngày hôm nay.
Cotto trong trận thua đầu tiên trước Margarito
Sau trận thua đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Cotto đã đi cả một vòng rất dài trước khi tái ngộ Margarito vào ngày 3-12-2011. Trong trận đấu này, Cotto đã phục thù bằng knock-out kỹ thuật ở hiệp đấu thứ 10, một trận đấu cũng rất tàn khốc mà lần này, Cotto chắc chắn rằng găng tay của đối thủ “không có vấn đề”. “Tất cả đều biết chuyện gì đã diễn ra trong trận đấu đầu tiên. Đơn giản, tôi chỉ muốn cho mọi người nhìn thấy điều gì đã xảy ra trong trận đấu đầu tiên, và nó đã xong rồi”, Cotto tâm sự sau trận tái đấu với Margarito”.
Cotto (phải) báo thù Margarito
Với Cotto, đó là 3 trận đấu giúp định hình một phong cách, một con người, và sau đó, là 3 trận thua khiến anh không thể nào vươn lên tầm đẳng cấp cao nhất. Nhưng chẳng sao cả, anh vẫn là 1 trong những võ sĩ giỏi nhất của thế kỷ 21, là niềm tự hào của làng thể thao Puerto Rico và là một người có phong vị rất riêng. Thế giới, sẽ nhớ mãi về anh, theo cái cách mà anh lưu dấu, kỷ niệm, và cả chiến tích…
ĐỖ HOÀNG