Bài kiểm tra… bất đắc dĩ

Chấn thương của “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh khiến đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong một thập niên qua vắng mặt nhiều huyền thoại tại kỳ SEA Games. Ngoài Tú Chinh, sẽ không còn Hoàng Xuân Vinh trên trường bắn khi xạ thủ vô địch Olympic chuyển sang làm HLV.
“Nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh
“Nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh

Đường bơi xanh cũng không còn chuyện “cứ xuống nước là lấy vàng” khi vắng Nguyễn Thị Ánh Viên, cử tạ thì thiếu Thạch Kim Tuấn. Trong khi đó, dù vẫn đăng ký thi đấu nhưng tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh chỉ đóng vai trò tinh thần.

Thể thao đỉnh cao thì luôn thay đổi, trước sau gì những huyền thoại nói trên đều sẽ phải chia tay, nhưng có lẽ chưa có kỳ SEA Games nào các thế hệ kế thừa lại đồng loạt được kiểm chứng như đại hội lần này. Câu chuyện không chỉ nằm ở khía cạnh chuyên môn, hoặc là các mục tiêu về huy chương, mà một điều còn quan trọng không kém đó là làm sao để thay thế ánh hào quang mà các ngôi sao lớn để lại. Nói cách khác, chúng ta cần những nguồn cảm hứng mới, nhất là tại một kỳ SEA Games trên sân nhà, khi người hâm mộ được tiếp xúc gần hơn với các VĐV của mình.

Năm 2003, khi lần đầu tiên đăng cai SEA Games, vị trí nhất toàn đoàn của Thể thao Việt Nam không hoàn toàn bất ngờ bởi lợi thế của một nước chủ nhà. Nhưng tại kỳ SEA Games đó, điền kinh Việt Nam đã tạo ra địa chấn với 8 chiếc HCV, tức nhiều gấp đôi so với tổng số HCV có trước đó.

Đó cũng là lần đầu tiên kể từ chiếc HCV lịch sử của Vũ Bích Hường ở SEA Games 1995, điền kinh mới có thêm HCV ở nội dung chạy tốc độ của Nguyễn Thị Tĩnh trên đường đua 200m và 400m. Cự ly ngắn vốn không phải thế mạnh của điền kinh Việt Nam, nhưng từ nguồn cảm hứng ấy mà 2 năm sau, chúng ta có kỷ lục gia Đông Nam Á Vũ Thị Hương thống trị đường chạy 100m và 200m nữ, rồi tiếp nối là Lê Tú Chinh. Thế nên, khi Tú Chinh không thi đấu, SEA Games 31 sẽ cho chúng ta thấy rõ sức mạnh thực tế trên đường chạy tốc độ của điền kinh Việt Nam sau 20 năm thăng hoa.

Năm 2003, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Minh có kỳ SEA Games đầu tiên ở tuổi 20. Môn cầu lông tại SEA Games có thể được xem là giải vô địch thế giới thu nhỏ với sự thống trị của các tay vợt Indonesia, Malaysia và Thái Lan. 19 năm trôi qua, Tiến Minh có kỳ SEA Games thứ 4, cũng sẽ là cuối cùng của mình. Anh vẫn còn phải ra sân bởi chưa có người thay thế xứng đáng, cũng đồng nghĩa gần 20 năm qua, cầu lông Việt Nam không tiến quá nhiều. Ở cái tuổi 39, nếu Tiến Minh thành công, thì rõ ràng bài test cho cầu lông nước nhà đã không thành.

Tre già, mă♔ng mọ🌟c là quy luật của thể thao. Các VĐV trẻ của Việt Nam sẽ có một bài test cho tương lai, dù điều đó đến một cách bất đắc dĩ khi vắng bóng nhiều huyền thoại.

Tin cùng chuyên mục