Số tiền cấp cho Ánh Viên được cho là chiếm 2/3 tổng ngân sách cấp cho bơi lội Việt Nam nhằm chuẩn bị cho SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm. Mục đích cũng không có gì đặc biệt: Ánh Viên sẽ là “con bài tẩy” cho khả năng duy trì thứ hạng của đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games mà có thể chúng ta sẽ lần đầu tiên không giữ được vị trí trong tốp 3 kể từ năm 2003.
Ánh Viên sang Mỹ tập huấn triền miên suốt 5 năm qua nhưng dấu ấn lớn nhất vẫn chủ yếu để lại trên đường đua xanh của SEA Games. Những lần thi đấu tại Olympic 2016 và mới đây là ASIAD 2018 đều không thành công, có những dấu hiệu cho thấy sự chững lại. Trên thực tế, nếu đã thống trị SEA Games từ 2 kỳ trở lên thì tài năng đó cần phải được đầu tư cho các đấu trường lớn hơn và nếu đã không có tiến triển thì cũng nên xem lại cách đầu tư. Bơi lội rất khắc nghiệt, tuổi thi đấu đỉnh cao rất ngắn, tính từ khi Ánh Viên đoạt HCV đầu tiên ở SEA Games 2013 đến nay đã là 6 năm nhưng các kế hoạch phát triển của kình ngư này vẫn không có thay đổi gì đặc biệt. Vẫn một thầy - một trò miệt mài ở Mỹ và vẫn là cố gắng có HCV ở SEA Games càng nhiều càng tốt.
Câu chuyện của Ánh Viên ít nhiều phản ánh sự giới hạn trong tư duy quản trị thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam. Trường hợp tương tự và được quan tâm nhất, chính là sử dụng những tinh hoa của đội tuyển bóng đá nam cho SEA Games 30.
Nếu không có gì bất ngờ, thành phần dự SEA Games 30 cũng sẽ là những cầu thủ đang được tập trung cho vòng loại U.23 châu Á sắp diễn ra. Sau khi có thông tin nước chủ nhà Philippines cho phép đăng ký thêm 2 cầu thủ trên 22 tuổi, thì nhiều khả năng đội hình dự SEA Games sẽ có khoảng 50% lực lượng tuyển quốc gia, 80% là những cầu thủ từng dự U.20 World Cup cách đây 2 năm, đó là chưa kể sự hùng hậu của ban huấn luyện - vốn được đầu tư cho giấc mơ vượt qua vòng loại World Cup khu vực châu Á.
Đành rằng HCV SEA Games là một mục tiêu giá trị, nhưng hãy hình dung đến việc chúng ta đang sử dụng những cầu thủ từng đá World Cup, đá châu Á làm nòng cốt cho một đấu trường bé nhỏ khu vực, liệu có phải là lãng phí hay không? Rồi hãy tưởng tượng đến việc “đội tuyển quốc gia thu nhỏ” ấy đoạt HCV sau khi vượt qua các đối thủ chỉ cử U.21 đơn thuần tham gia thì niềm vui ấy liệu sẽ được thể hiện ra sao? Đấy là chưa nói, sự có mặt của các tuyển thủ quốc gia sẽ làm giảm cơ hội thi đấu quốc tế của những cầu thủ trẻ khác.
Ngược lại, nếu “để dành” sân chơi SEA Games cho các cầu thủ từng dự U.20 World Cup trước đây (nhưng chưa đủ chất lượng để khoác áo tuyển quốc gia), cộng với lứa U.19 vừa dự giải châu Á hồi năm ngoái thì bóng đá Việt Nam sẽ có một tuyến kế thừa cho cả SEA Games kế tiếp. Trong bối cảnh mà tuổi bình quân ở đội tuyển hiện nay rất thấp, nếu không tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ chứng tỏ mình, thì làm sao họ có cơ hội “lên tuyển”, nhất là khi V-League cũng rất ít “đất” dành cho họ.
Nên chăng là nếu vượt qua được vòng loại U.23 châu Á, thì đến SEA Game🧔s 30 cần có một U.22 mới, thay vì “dồn hết trứng vào 𓆏một rổ”.