Những câu hỏi bỏ ngỏ

Theo báo chí Tây Ban Nha, trận đấu ra mắt của cầu thủ người Trung Quốc, Vũ Lỗi trong màu áo CLB Espanyol đã có đến 40 triệu người xem qua truyền hình và internet, tức là gấp 5 lần lượng người xem đội Espanyol từ đầu mùa giải đến nay.
 Đặng Văn Lâm sang thi đấu ở giải ngoại hạng Thái Lan (Thai-League)
Đặng Văn Lâm sang thi đấu ở giải ngoại hạng Thái Lan (Thai-League)

 Tất nhiên, ai cũng biết là lượng xem tăng đột biến đó đến từ Trung Quốc, thị trường mà các nhà kinh doanh La Liga muốn chinh phục.

Câu chuyện này có vẻ khá “sát sườn” với những thương vụ Đặng Văn Lâm và Xuân Trường sang thi đấu ở giải ngoại hạng Thái Lan (Thai-League). Quan sát trên các phương tiện truyền thông, tần suất đưa tin về các chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam dày đặc, gấp nhiều lần so với những chuyển động của mùa giải V-League sẽ diễn ra trong ít ngày nữa. Với xu thế xem bóng đá qua internet thay vì truyền hình hay đến sân vận động ở Việt Nam hiện nay, trong tương lai, nếu các CLB Thái Lan tăng cường mua cầu thủ Việt Nam thì nhiều khả năng lượng khán giả Việt Nam xem bóng đá Thái sẽ tăng rất nhanh.

Và đấy chính là một trong những câu hỏi còn bỏ ngỏ cho bóng đá Việt Nam trước mùa bóng mới. Như đã nói, được ra nước ngoài thi đấu là một cơ hội phát triển cho cá nhân cầu thủ nhưng chưa chắc sẽ đem đến lợi ích cho nền bóng đá Việt Nam nói chung, hay kể cả đội tuyển quốc gia. Ví dụ như Thái Lan, ngôi sao Chanathip của họ dù xuất sắc ở J-League 1 thì cũng không giúp được gì nhiều cho đội tuyển. Trong khi V-League vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc thì những ngôi sao được yêu thích nhất lại rời đi, đem theo không nhỏ một lượng người xem, vô tình làm cho nỗ lực khôi phục hình ảnh cho V-League thêm phần khó khăn.

Nhưng đó chưa phải là vấn đề chính. Hiện nay, sau các biến động tại CLB Thanh Hóa dẫn đến sự ra đi của hàng loạt cầu thủ thì gần như 90% tuyển thủ quốc gia đang khoác áo 3 CLB: Hà Nội FC, HA.GL và SLNA. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng một vài sân bóng đông khán giả, nhiều sân khác thì trống vắng, cầu thủ không còn động lực để thi đấu, thu nhập thì giảm sút.

Đồng thời, sau khi tập đoàn FLC rút lui khỏi Thanh Hóa, không thấy doanh nghiệp có tiềm lực nào đầu tư mới cho bóng đá, khiến cuộc đua tranh chức vô địch mùa tới được dự báo là rất tẻ nhạt khi ngoài Hà Nội FC thì không còn đội bóng nào có tiềm năng. Bóng đá Việt Nam hiện đang đối diện với một nghịch lý đó là không có tiền để phát triển phần hạ tầng, dù mối quan tâm của xã hội đang rất cao. Hiện V-League chỉ mới có 14 CLB, nhưng tính cạnh tranh rất thấp, hướng phát triển trở nên mơ hồ. Hãy tưởng tượng đến lúc số lượng cầu thủ Việt Nam sang Thai-League thi đấu đông đảo như thời mà hàng chục tuyển thủ Thái Lan sang nước ta chơi bóng, sẽ thấy V-League còn giảm sức hút đến thế nào.

Bóng đá là một lĩnh vực mang tính thị trường, bắt buộc phải tuân theo quy luật. Nếu như các giải bóng đá nội địa không có phương cách đ♌ể thu hút người xem thì chuyện có hàng chục trận đấu rơi vào cảnh “chợ chiều” cũng phải chấp nhận. Đã đến lúc những nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần đặt ra những câu hỏi thực tế cho sự phát triển của làng cầu nội địa và quyết liệt tìm sự thay đổi, kể cả việc phải đụng vào những vấn đề nhạy cảm như tăng số lượng ngoại binh, giảm số CLB tham gia hay thậm chí là cải tổ thể thức thi đấu theo hướng “lấy chất - bù lượng”.

Tin cùng chuyên mục